Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (“WTO”), Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (“SHTT”) và thực thi quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến tên thương mại và nhãn hiệu, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan cho phù hợp với những thay đổi và phát triển liên quan đến các tranh chấp và xung đột về sở hữu trí tuệ giữa các công cụ nhận diện thương mại là tên thương mại và nhãn hiệu.
Nêu quan điểm về ”Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại ”, Luật sư Đặng Kim Ngân Hà cho hay: Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tên thương mại và nhãn hiệu dịch vụ, bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh … Tên doanh nghiệp được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ là tên thương mại.
Theo quy định tại Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp 1883 (“Công ước Paris”) về tên thương mại và chống cạnh tranh không lành mạnh: Các nước thành viên phải bảo hộ tên thương mại mà không được đặt ra yêu cầu về việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ hoặc đăng ký. Mỗi nước thành viên phải dành sự bảo hộ có hiệu quả nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh. Công ước không quy định cụ thể cách thức bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh mà các quốc gia có quyền tự do quy định trong luật của mình.
Việt Nam có các chế định tại điều 76 và điều 78 Luật SHTT về bảo hộ tên thương mại, cụ thể: Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh, tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Chứa thành phần tên riêng.
(2) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Quy định này của Luật SHTT cũng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp tại điều 38 và điều 39 Luật Doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, cấm doanh nghiệp là đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Luật doanh nghiệp cũng không cho phép doanh nghiệp sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó.
Như vậy, căn cứ để xác định tên doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.
Pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ các đối tượng của quyền SHTT như: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh …
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp lấy chính tên doanh nghiệp và logo của doanh nghiệp đăng ký bảo hộ đồng thời quyền tác giả (như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng ) và quyền đối với nhãn hiệu, điều này nhằm mang lại phạm vi bảo hộ tối đa cho chủ thể quyền, mở rộng phạm vi độc quyền của mình và có quyền yêu cầu các cơ quan thực thi xem xét, xử lý khi phát hiện hành vi xâm phạm của chủ thể thứ ba, đòi bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, việc bảo hộ chồng lấn quyền tác giả và nhãn hiệu đối với cùng một đối tượng của một chủ thể mang lại rất nhiều lợi ích trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng doanh thu cho chủ thể từ việc kinh doanh các sản phẩm gắn tên thương mại/nhãn hiệu có uy tín hoặc sử dụng bao bì đã có dấu ấn tốt trong tâm trí người tiêu dùng hay lợi nhuận từ khoản phí chuyển giao quyền sử dụng đối tượng.
Nghiên cứu và phân tích các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được xét xử hoặc khiếu nại gần đây,đối với trường hợp tranh chấp tình trạng tên thương mại của doanh nghiệp đăng ký sau có chứa thành phần gây nhầm lẫn hoặc trùng với tên thương mại đang được bảo hộ của doanh nghiệp đăng ký trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh, theo quy định tại điều 17 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác được xác lập trước”, như vậy, theo pháp luật sở hữu trí tuệ thì quyền nào xác lập trước sẽ được ưu tiên, doanh nghiệp đăng ký trước có quyền đề nghị Cơ quan thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình phải thay đổi tên gọi cho phù hợp, và/hoặc hủy bỏ hiệu lực hoặc cấm sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên thực tế vì đã sử dụng tên thương mại xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể khác theo quy định tại điều 129 Luật SHTT và đồng thời đã xung đột với quyền tác giả và/ hoặc nhãn hiệu được bảo hộ của chủ thể khác được xác lập trước.
Làm thế nào để tránh trường hợp trên? Tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh phải chủ động tra cứu tên thương mại của mình dự định đặt cho doanh nghiệp xem có trùng hoặc tương tự với tên thương mại/nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Đồng thời, cần có sự liên thông tra cứu giữa cơ quan cấp đăng ký kinh doanh với các cơ quan xác lập quyền tác giả và quyền nhãn hiệu (Cục Bản quyền tác giả và Cục Sở hữu trí tuệ) về tên thương mại/ nhãn hiệu của doanh nghiệp đăng ký sau so với các doanh nghiệp khác đã được bảo hộ trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh để kịp thời khắc phục được tình trạng trên và giảm được các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại trong những năm tiếp theo.
Báo Công an nhân dân là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Quyen-so-huu-cong-nghiep-doi-voi-ten-thuong-mai-tai-Viet-Nam-563871/?fbclid=IwAR2Qv4xCxMfetvLvb4dwKy8rbu57KeRxGztz52tkTsD41DOOVxje5TEsF2I