Thủ tục xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc

VCPMC – Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam: http://vcpmc.org/vcpmc/hoidap/tuvan

TÔI MUỐN SẢN XUẤT ĐĨA NHẠC MIDI KARAOKE ĐỂ KÈM THEO SẢN PHẨM. VẬY PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐÚNG PHÁP LUẬT
Tôi muốn sản xuất đĩa nhạc MIDI Karaoke để kèm theo sản phẩm. Vậy phải làm thế nào đúng pháp luật

Theo quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, việc tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng quyền tài sản của tác giả phải thực hiện việc xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Việc quý vị sản xuất đĩa nhạc MIDI karaoke như trên đã khai thác, sử dụng quyền sao chép trong quyền tài sản của tác giả, vì vậy phải thực hiện việc xin phép và trả tiền sử dụng theo đúng pháp luật.

Để thực hiện đúng pháp luật quý vị cần thực hiện những công việc sau:

1. Liên hệ làm thủ tục xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc:

Liên hệ với Bộ phận Cấp phép – Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam để được hướng dẫn về các thủ tục cần thiết bằng một trong các cách sau:

a. Đến làm việc trực tiếp hoặc liên hệ qua điện thoại với một trong các văn phòng sau của VCPMC:

Trụ sở chính:

66 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (04) 376 24718 l Fax: (04) 376 24717

Chi nhánh phía Nam:

42 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (08) 3910 4643 | Fax: (08) 3910 2385

Đại diện tại Hải Dương:

Số 139 Bạch Đằng, TP. Hải Dương

Điện thoại: (0320) 661 6535

Đại diện tại Thừa Thiên Huế:

Số 65 Trần Hưng Đạo, TP. Huế

Điện thoại: (054) 352 3998

b. Liên hệ qua email theo địa chỉ: info@vcpmc.org

2. Hồ sơ đăng ký

Đối với việc tiến hành thủ tục xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc tại VCPMC, quý vị cần điền đủ các thông tin theo hồ sơ đăng ký được đăng tải tại Mục Thủ tục cấp phép của website này, bao gồm:

– Cung cấp thông tin về đối tượng sử dụng (tác phẩm Việt Nam hay quốc tế, hình thức sử dụng, lĩnh vực sử dụng)

– Bản xin phép và trả tiền bản quyền tác giả âm nhạc (Mẫu 1.3 – Mẫu xin phép sử dụng TPAN trong lĩnh vực xuất bản)

– Danh sách tác phẩm đăng ký sử dụng (theo mẫu)

– Hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc (Mẫu 2.3 – Mẫu HĐ sử dụng TPAN trong lĩnh vực xuất bản băng đĩa)

3. Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ đã nêu tại mục 1.a.

Thời gian xử lý yêu cầu cấp phép (kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ, tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định, bao gồm thứ 7, Chủ nhật và các ngày lễ Tết):

– Cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc Việt Nam: tối đa 7 ngày

– Cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc quốc tế: tối đa 14 ngày

Quý vị chỉ được sử dụng tác phẩm để xuất bản MD file Karaoke một cách hợp pháp sau khi đã hoàn thành các thủ tục thanh toán theo hợp đồng và được cấp giấy chứng nhận.

SỬ DỤNG ĐĨA CD Ở NHÀ CÓ PHẢI TRẢ TIỀN BẢN QUYỀN NỮA KHÔNG?

Tôi mua những chiếc đĩa CD về nghe và sử dụng trong nhà hàng của tôi. Chiếc đĩa đó đã được cấp tem bản quyền, nghĩa là đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền rồi, tại sao gần đây của hàng của tôi lại nhận được giấy mời yêu cầu đóng phí quyền tác giả?

TRẢ LỜI:

Theo quy định của pháp luật: Các tổ chức hay cá nhân khi khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong môi trường kinh doanh phải trả tiền bản quyền cho tác giả/chủ sở hữu quyền. Những chiếc CD đã dán tem bản quyền, chứng tỏ những người sản xuất ra những chiếc CD đó đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với sản phẩm của họ, không phải là đĩa sản xuất lậu. Bạn mua những chiếc đĩa có bản quyền đó để sử dụng ở nhà riêng, không có yếu tố kinh doanh thì không phải trả thêm tiền bản quyền nào khác. Nhưng nhà riêng của bạn đồng thời là nơi kinh doanh nhà hàng, hoặc bạn dùng ở nhà hàng có kinh doanh thì bạn vẫn phải trả tiền bản quyền âm nhạc. Đó là quy định của pháp luật, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới pháp luật cũng quy định như vậy.

GIÁ TIỀN BẢN QUYỀN TÁC GIẢ BÀI HÁT

Cty mình chuẩn bị phát hành đĩa CD, nhưng không biết để mua bản quyền sử dụng tác phẩm trong CD phải làm những thủ tục gì, và cty phải trả bao nhiêu tièn cho 1 sản phẩm âm nhạc được thu. XIn cảm ơn đã tư vấn

TRẢ LỜI:

Theo quy định tại Điều 35 nghị định 100/2006/NĐ-CP việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại phải thực hiện việc xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc.

 

Việc phát hành đĩa CD cũng tương tự như việc xuất bản những ấn phẩm âm nhạc khác, phải thực hiện việc xin phép và trả tiền sử dụng theo đúng pháp luật.

 

Để thực hiện đúng pháp luật bạn cần làm những công việc sau:

1. Liên hệ làm thủ tục xin phép và trả tiền bản quyền:

Liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để được hướng dẫn về các thủ tục cần thiết. (Đối với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa ủy thác cho VCPMC người sử dụng phải liên hệ trực tiếp với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đó).

2. Xin phép sử dụng thông qua hợp đồng bằng văn bản

– Đối với việc tiến hành thủ tục bản quyền tại VCPMC, bạn cần điền đủ các thông tin theo hồ sơ đăng ký được đăng tải tại Mục Thủ tục cấp phép của website http://vcpmc.org, bao gồm:

+ Mẫu hợp đồng số 2.3 (Mẫu HĐ sử dụng TPAN trong lĩnh vực xuất bản băng đĩa).

+ Cung cấp danh sách tác phẩm bao gồm các nội dung tên tác phẩm, tác giả nhạc và tác giả lời (theo mẫu).

– Bạn chỉ được sử dụng tác phẩm để xuất bản đĩa nhạc một cách hợp pháp sau khi đã hoàn thành các thủ tục thanh toán theo hợp đồng và được cấp giấy chứng nhận.

3. Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ:

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Số 66 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội

ĐT: 84.4.3762 4718 | Fax: 84.4.3762 4717

Chi nhánh phía Nam  

42 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1.
ĐT: 84.8.3910 4643 | Fax: 84.8.3910 2385

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ LIÊN HỆ ĐƯỢC VỚI NHIỀU TÁC GIẢ ĐỂ XIN PHÉP VÀ TRẢ TIỀN?

Tôi mới thành lập công ty sản xuất các ấn phẩm văn hóa, trong đó có các ấn phẩm như: đĩa CD, VCD, DVD, các đầu máy karaoke có sẵn các bản ghi âm nhạc, sách âm nhạc v.v. tôi phải thực thi nghĩa vụ bản quyền như thế nào để hợp pháp các sản phẩm? Làm thế nào để có thể liên hệ được với nhiều tác giả để xin phép và trả tiền?

TRẢ LỜI:

 

Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền khi sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền thuộc về tác giả, bao gồm:

 

– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Quyền làm tác phẩm phái sinh;

– Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

– Quyền sao chép tác phẩm;

– Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

– Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Như vậy, những ấn phẩm mà công ty của bạn sẽ sản xuất và phát hành đều sử dụng một hoặc toàn bộ các quyền kể trên.

 

Để thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, bạn- người sử dụng có thể liên hệ trực tiếp với tác giả, chủ sở hữu quyền để xin phép và trả tiền bản quyền. Song, trên thực tế, việc tìm đến từng tác giả của từng tác phẩm được sử dụng để xin phép và trả tiền bản quyền tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí, thậm chí không thể thực hiện được (đặc biệt với các tác phẩm âm nhạc quốc tế).

Giải pháp thích hợp là: bạn ( người sử dụng) tác phẩm âm nhạc phải tiến hành xin phép & trả tiền bản quyền tác giả âm nhạc thông qua một đầu mối quản lý tập thể quyền- duy nhất ở Việt Nam hiện nay là VCPMC. Thủ tục xin cấp phép sử dụng & trả tiền bản quyền sẽ được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và chính xác.

 

Việc sử dụng tác phẩm và trả tiền bản quyền được thực hiện thông qua hợp đồng cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc ký kết giữa VCPMC với tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc. Mức thu tiền bản quyền được xác định căn cứ theo các văn bản luật hiện hành sau khi tham khảo mức thu trên thế giới và đặt trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Sau khi tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc chi trả tiền bản quyền, VCPMC sẽ chịu trách nhiệm tiến hành phân phối tiền bản quyền tới từng tác giả, chủ sở hữu quyền.

 

Pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định về hình thức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tùy theo mức độ vi phạm, các hình thức xử phạt có thể bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu hàng hóa vi phạm, đình chỉ hoạt động… Các hành vi xâm phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

TƯ VẤN VỀ BẢN QUYỀN

Tôi có một số ca khúc mới muốn ủy quyền cho VCPMC. Khi ủy quyền rồi thì tôi có được quyền bán độc quyền cho người khác được không (trên lĩnh vực thu âm, sản xuất và biểu diễn)? Mong VCPMC trả lời giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI:

Căn cứ vào Hợp đồng ủy thác quyền tác giả giữa VCPMC và các tác giả, tác giả không được chuyển nhượng, chuyển giao hay cho phép công bố, phổ biến, sử dụng tác phẩm ủy quyền, hoặc trực tiếp nhận tiền sử dụng tác phẩm cho/từ bất kì một bên nào khác trừ trường hợp thỏa thuận đó được thực hiện trước khi tác giả ủy thác quyền cho VCPMC (quy định về bảo lưu quyền).

Tuy nhiên, trong trường hợp tác giả đồng ý cho ca sĩ độc quyền sử dụng tác phẩm để sản xuất bản ghi âm, ghi hình hay biểu diễn, VCPMC có thể đại diện cho tác giả để tiến hành làm việc và đi đến thỏa thuận về vấn đề nói trên với ca sĩ (về thời hạn độc quyền cũng như chi phí hợp lí cho việc sử dụng các quyền nói trên).

TRẢ LỜI BẠN ĐỌC HỎI VỀ NGHỊ ĐỊNH 79 SỬA ĐỔI

Hỏi: Tôi mới đọc trên trang web của VCPMC một Văn bản mới ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP, Chính phủ Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Tôi muốn hỏi, Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều này có thay đổi việc xin giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trong đó có âm nhạc so với Nghị định 79/2012/NĐ-CP cũ hay không?

TRẢ LỜI:

Trả lời: Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP( gọi tắt là Nghị định 79 sửa đổi) có thay đổi một số nội dung so với Nghị định 79/2012/NĐ-CP (Nghị định 79 cũ) ở các Điều: 1, 7, 7a, 9,14,17,20,21,22,24,26 và 27.

Nếu bạn quan tâm đến việc xin cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn, sản xuất băng đĩa, bản ghi âm ghi hình… ở lĩnh vực âm nhạc, sau khi đọc Nghị định 79 cũ, bạn hãy lưu ý  vào những sửa đổi của Nghị định 79 mới ban hành, chú tâm vào Điều 9 và Điều 26 bạn nhé.

Điều 9, ở văn bản mới quy định như sau:

Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

1. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại Việt Nam:

a) Thẩm quyền:

– Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp nhận hồ sơ, thẩm định nội dung, hình thức chương trình, vở diễn và cấp, thu hồi giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho đối tượng quy định tại các Điểm a, b, d và đ Khoản 1 Điều 8 trong trường hợp được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cho phép mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;

– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa,
Thể thao tiếp nhận hồ sơ, thẩm định nội dung, hình thức chương trình, vở diễn và cấp, thu hồi giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho đối tượng quy định tại các Điểm a, c, d và đ Khoản 1 Điều 8 Nghị định này thuộc địa phương.

b) Thủ tục:

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:

– 01 đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (Mẫu số 01);

– 01 bản nội dung chương trình, tác giả, đạo diễn, người biểu diễn; danh mục bộ sưu tập và mẫu phác thảo thiết kế đối với trình diễn thời trang;

– 01 bản nhạc hoặc kịch bản đối với tác phẩm đề nghị công diễn lần đầu; đầu (đối với bản nhạc hoặc kịch bản sử dụng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt và chứng nhận của công ty dịch thuật);

– 01 văn bản bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả;

– 01 bản sao chứng thực quyết định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (đối với chương trình có sự tham gia của tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài);

– 01 bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đăng ký doanh nghiệp. ( Đối  tượng lần đầu thực hiện thủ tục hành chính và đối tượng trong quá trình hoạt động đã có hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định này nộp bản sao có chứng thực hoặc mang bản gốc để đối chiếu).

2. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mời tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang:

a) Thẩm quyền:

– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép cho đối tượng quy định tại Điểm a, d và đ Điều 8 Nghị định này thuộc cơ quan Trung ương mời các tổ chức, cá nhân nươc sngoaif vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang từ 2 tỉnh, thành phố trở lên hoặc không trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi thành lập doanh nghiệp;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thu hồi giấy phép cho đối tượng thuộc địa phương mời tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm a, c,d,đ và e Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong phạm vi địa phương;

b) Thủ tục:

Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mời tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Van hóa, Thể thao. Hồ sơ gồm:

– 01 đơn đề nghị cấp phép vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (Mẫu số 02);

– 01 bản sao văn bản thỏa thuận với cá nhân là người Việt Nam địn cư ở nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân người nước ngoài (bản dịch tiếng Việt có chứng nhận của công ty dịch thuật);

– 01 bản sao hộ chiếu và văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài);

– 01 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ( Đối  tượng lần đầu thực hiện thủ tục hành chính và đối tượng trong quá trình hoạt động đã có hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định này nộp bản sao có chứng thực hoặc mang bản gốc để đối chiếu).

Ở văn bản mới, Điều 26, được quy định như sau:

Lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình, tổ chức được cấp giấy phép phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu dến cơ quan cấp giấy phép và Cục Nghệ thuật biểu diễn, mỗi nơi 02 bản ghi âm, ghi hình thành phẩm (đã dán tem kiểm soát). Cơ quan nhận lưu chiểu có trách nhiệm lưu giữ bản ghi âm, ghi hình trong thời hạn 02 năm, hết thời hạn trên,  cơ quan nhận lưu chiểu xử lý bản ghi âm, ghi hình lưu chiểu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

0886055166
0886055166