Mỗi doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, thì doanh nghiệp đó phải bỏ ra những khoản chi phí nhất định để tiến hành sản xuất ra sản phẩm, cụ thể: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, đối tác khi mua bán hàng hóa, dịch vụ được xem là giao dịch dân sự. Theo quy định tại điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực thực hiện khi các bên thỏa thuận tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Động cơ xác lập giao dịch dân sự là nguyên nhân thúc đẩy các bên tham gia giao dịch. Động cơ của giao dịch không mang tính pháp lí. Khi xác lập giao dịch, nếu như động cơ không đạt được thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch.
Tuy nhiên, trong trường hợp một trong các bên khách hàng hoặc đối tác muốn tuyên bố hủy giao dịch dân sự và dẫn đến tranh chấp, thay vì lựa chọn sự đàm phán, thương lượng hoặc khởi kiện tại Tòa án để tiến hành thanh lý giao dịch hoặc giải quyết tranh chấp dân sự, doanh nghiệp lại nhận được sự ”quy kết tội danh” – hình sự hóa quan hệ dân sự và sự đe dọa tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội nhằm mục đích cuối cùng là phá vỡ giao dịch dân sự, đây là một trong các vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp phải.
Nêu quan điểm về ”Doanh nghiệp và vấn đề khi khách hàng hình sự hóa quan hệ dân sự”, Luật sư Đặng Kim Ngân Hà cho rằng: Khách hàng và đối tác không phải lúc nào cũng là thượng đế. Doanh nghiệp sẽ có thể gặp phải đối tượng khách hàng và đối tác gần như không đem lại lợi nhuận nhưng lại có những đòi hỏi quá đáng, cũng như những lời ”quy kết tội danh” – hình sự hóa quan hệ dân sự và sự đe dọa tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội với cụm từ quen thuộc: ”lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo quy định Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bộ luật Hình sự hiện hành thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối và cần làm rõ 2 yếu tố “thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt” tài sản. Chiếm đoạt được hiểu là việc cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang được sự quản lí của chủ sở hữu thành tài sản của mình. Chúng được biểu hiện dưới dạng hành vi hoặc mục đích phạm tội. Đồng thời cần chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có quan điểm cho rằng: Không cần xác định chủ thể có ý thức chiếm đoạt tài sản hay không, cứ có thủ đoạn gian dối là coi như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quan điểm này sai lầm ở chỗ đồng nhất mọi hành vi gian dối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không loại trừ vô số các vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế đơn thuần. Ví dụ: Một người có hành vi kê khai gian lận về giá trị tài sản bảo đảm khi làm hồ sơ vay tín dụng ngân hàng. Hàng tháng, người này vẫn đóng lãi suất đầy đủ cho ngân hàng. Khi sự việc bị phát hiện, ngân hàng tố cáo người này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc gian lận của người này chỉ nhằm vay vốn ngân hàng mà không nhằm mục đích chiếm đoạt nên không thể xác định người đó phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi các bên có tranh chấp về quan hệ dân sự, kinh tế đơn thuần thì có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tại Tòa án nếu các bên không thống nhất được phương án hòa giải. Bên cạnh đó, các bên cần bình tĩnh tiến hành thu thập các chứng cứ cho vụ kiện: các giấy tờ văn bản giao dịch và chứng cứ điện tử, “giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử” đã được pháp luật công nhận trong tố tụng dân sự cũng như tố tụng hình sự, cụ thể: Khoản 2 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử hiện hành “Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”, ví dụ: Nhật ký truyền tệp tin trong máy tính (FTP tranfer logs), nhật ký giao thức mạng từ các nhà cung cấp internet (IP logs from ISPs), nhật ký hệ điều hành/các tập tin registry (Operating System Logs/Registry Files); các bản ghi và nhật ký trang thư điện tử (Web mail IP logs and records)…loại dữ liệu này có giá trị chứng cứ rất cao.
Do đó, khi doanh nghiệp chính thức nhận được thông điệp điện tử hoặc các thông tin phát tán trên mạng xã hội về những sự ”quy kết tội danh” – hình sự hóa quan hệ dân sự và sự đe dọa tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội nhằm mục đích cuối cùng là phá vỡ giao dịch dân sự từ đối tác/ khách hàng, doanh nghiệp sẽ tiến hành thu thập chứng cứ tiền tố tụng từ giai đoạn đầu cũng như lường trước trường hợp xấu nhất khi các bên không thể giải quyết bằng thương lượng và hòa giải. Không dễ dàng để xử lý các tình huống khi gặp phải vấn đề ”hình sự hóa” quan hệ dân sự từ một số dạng khách hàng và đối tác, mọi sự quy chụp về tội danh hay hành vi phạm tội đối với bất kỳ doanh nghiệp khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án đều xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự uy tín nói riêng và quyền hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp đó.
Như vậy, khi các bên tiến hành khởi kiện tại tòa, doanh nghiệp sẽ đồng thời có thể yêu cầu tới khách hàng và đối tác về các khoản tiền bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín khi bị xâm phạm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư Đặng Kim Ngân Hà
ANTV – Truyền Hình Công An Nhân Dân: https://www.facebook.com/TruyenHinhCongAn/posts/943620999323106