Quyền thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Hỏi: Giả định Bà N xuất cảnh bất hợp pháp sang nước ngoài, hiện mang quốc tịch nước ngoài có được hưởng thừa kế tài sản, như đất đai (bất động sản) hay từ chối nhận di sản thừa kế không?

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau (Thông tin có tính chất tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật):

Chia thừa kế là bất động sản đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế là một quyền cơ bản của mỗi công dân và là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Mọi cá nhân đều có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật, bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Di sản thừa kế là đất đai (bất động sản) – là loại tài sản đặc biệt nên theo quy định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có thể được hưởng thừa kế tài sản của cha mẹ họ để lại tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc có được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này hay không, phải xét đến quy định pháp luật đất đai của Việt Nam về vấn đề này.

Đối với trường hợp cụ thể của bà N đã xuất cảnh bất hợp pháp sang nước ngoài, hiện mang quốc tịch nước ngoài và không thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, phần thừa kế của bà N được giải quyết như sau:

Căn cứ vào khoản 3, khoản 4 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013:

”3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

4. Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.

Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều này.”

Như vậy, trường hợp này bà N vẫn được quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế mặc dù bà N không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chia di sản thừa kế. Và việc tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thừa kế phải tuân theo các quy định nêu trên.

Từ chối nhận di sản thừa kế

Quyền hưởng di sản của người thừa kế là quyền đương nhiên và từ chối nhận di sản thừa kế cũng được pháp luật xác định là một quyền, không ai có thể bị buộc phải nhận di sản, nếu không muốn. Quyền từ chối nhận di sản được mang tên gọi là khước từ quyền hưởng di sản. Theo đó, người thừa kế có thể khước từ quyền hưởng di sản, trừ trường hợp việc khước từ đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân về tài sản.

Thực tiễn trước đây có nhiều sự bất cập tại Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 khi quy định việc từ chối nhận di sản phải được bày tỏ trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế, hết thời hạn sáu tháng kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu người thừa kế không có văn bản từ chối hưởng di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản thừa kế. Do đó, có rất nhiều trường hợp người thừa kế không biết về việc mở thừa kế khi định cư tại nước ngoài hoặc đi xa không có mặt tại địa điểm mở thừa kế nên không thực hiện được quyền từ chối trong thời hạn mà pháp luật quy định.

Để giải quyết sự hạn chế thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Cụ thể trường hợp bà N là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế tại Việt Nam, nguyện vọng này hoàn toàn phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành. Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn hạn chế quyền từ chối nhận di sản trong thời hạn sáu tháng kể từ thời điểm biết được thời điểm mở thừa kế hay từ thời điểm mở thừa kế như các văn bản quy phạm pháp luật trước đây.

Với cách quy định này, thời hạn từ chối có thể thay đổi theo từng trường hợp thừa kế, bởi thời hạn này phụ thuộc vào thời điểm phân chia di sản, mà thời điểm phân chia di sản thường do những người thừa kế thỏa thuận xác định mà hạn mức cuối cùng để yêu cầu phân chia di sản đối với động sản là 10 năm, đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, người thừa kế vẫn có thể tiến hành phân chia ngay cả sau thời hạn luật định này khi họ đã thực hiện văn bản đồng thuận phân chia di sản và thỏa thuận sẽ tiến hành phân chia sau này.

Như vậy, để thực hiện nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế khi đang định cư ở nước ngoài, bà N cần phải lập văn bản từ chối nhận di sản trước thời điểm phân chia di sản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Đồng thời, bà N cần phải tiến hành thủ tục hợp pháp hóa văn bản từ chối nhận di sản thừa kế tại các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước mình đang định cư, những hồ sơ cơ bản cần chuẩn bị như sau:

1. Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế theo hướng dẫn các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước mình đang định cư.

2. Bản sao giấy tờ tùy thân (Ví dụ: Hộ chiếu, Thẻ Công dân, Bằng lái xe, Trích lục Bộ giấy khai sanh cấp trước 1975, Thẻ căn cước cấp trước 1975, Sổ thông hành cấp trước 1975, Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi người được cấp giấy tờ đó có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam (Vietnamese Native) – nếu có …).

3. Bản sao giấy tờ chứng minh quyền được thừa kế di sản tại Việt Nam.

Báo Công an nhân dân là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam: http://cand.com.vn/Giai-dap-phap-luat/Quyen-thua-ke-cua-nguoi-Viet-Nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-580521/?fbclid=IwAR0gyaJjOuWwT9w1MRO59Up70QN3Lg6rIBre5liedNeYmNlHXJ8NBxSGhxA

0886055166
0886055166