Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu BĐS tại Việt Nam?

Hỏi: Anh P. là Việt kiều có quốc tịch nước ngoài, hiện đang định cư tại nước ngoài, anh P. có quyền sở hữu nhà ở và đất ở tại Việt Nam hay không? Anh P. có nên nhờ người đứng tên giùm khi mua bán nhà?

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau  (Thông tin có tính chất tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật):

Xác định địa vị pháp lý

Căn cứ Điều 3 và Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam:
1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;
2. Giấy chứng minh nhân dân;
3. Hộ chiếu Việt Nam;
4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Như vậy, theo thông tin cung cấp, giả sử có căn cứ chứng minh anh P. đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo huyết thống hoặc đang có quốc tịch Việt Nam, địa vị pháp lý của anh P. được xác định là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Quyền sở hữu nhà ở và đất ở

Căn cứ Điều 169 và Điều 186 Luật Đất đai năm 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mua nhà ở gắn liền với đất ở tại Việt Nam được sử dụng đất ổn định lâu dài. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và chịu các nghĩa vụ tài chính tương tư như đối với công dân Việt Nam khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đồng thời, tại Điều 7 và Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định cụ thể các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và sẽ được sở hữu nhà ở thông qua hình thức:
– Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản);
– Mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân;
– Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Anh P. phải có giấy tờ cụ thể như sau:
– Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
– Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, anh P. được nhận chuyển quyền sử dụng đất với điều kiện mảnh đất phải nằm trong các dự án phát triển nhà ở hoặc mua sẵn nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cần phải theo đúng quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và tín dụng ngân hàng.
Anh P. không nên nhờ người đứng tên trên các hợp đồng mua bán nhà, chủ quyền bất động sản vì có nhiều tranh chấp tại tòa án như: người đứng tên thay thế chấp vay ngân hàng và mất khả năng thanh toán, mua bán sang tay mà không thông báo. Khi tranh chấp xảy ra, rất khó chứng minh đã chuyển tiền cho người trong nước với mục đích để mua nhà nếu không có các chứng cứ chứng minh việc chuyển tiền giữa các cá nhân.
Trong một số vụ án dân sự về “Tranh chấp đòi lại tài sản” khi Việt Kiều nhờ người đứng tên thay, quyết định cuối cùng của tòa án khi xét xử: người nhờ đứng tên có thể được lấy lại phần đã đầu tư cùng với một phần phần giá trị gia tăng của bất động sản và hoa lợi có được từ bất động sản đó. Người đứng tên mua hộ bất động sản được chia phần gia tăng giá trị của bất động sản và hoa lợi, theo công sức đóng góp.

Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/nguoi-goc-viet-nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-co-duoc-so-huu-bds-tai-viet-nam-185917965.htm

0886055166
0886055166