Cá nhân, đơn vị có thể chọn cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng con đường khiếu nại tới Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý đối với một số sai phạm của cơ quan báo chí và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính.
Hỏi: Trong hoạt động báo chí, nếu đăng phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật trên các phương tiện thông tin, tạo hiệu ứng lan truyền nhanh trong cộng đồng, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì sẽ xử lý như thế nào?
Luật sư Đặng Kim Ngân Hà, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau: (Thông tin có tính chất tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật)
Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân của cá nhân thuộc nhóm quyền tuyệt đối, biểu hiện bằng việc quyền này được bảo vệ một cách tuyệt đối trước sự xâm phạm của bất kỳ chủ thể khác và được bảo vệ theo yêu cầu của chủ thể quyền. Bất kỳ hành vi xâm phạm quyền nhân thân nào cũng phải chịu một trách nhiệm pháp lý. Việc cá biệt hóa chủ thể trong quan hệ pháp luật có ý nghĩa lớn trong việc xác định rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi chủ thể cũng như trách nhiệm pháp lý của chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng. Quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm.
Theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”. Ngoài ra, tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Vì vậy, việc pháp luật ghi nhận và bảo vệ cho mỗi cá nhân quyền đối với hình ảnh đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Hành vi này thực hiện bằng cách khi có được hình ảnh của một người nào đó, nhất là hình ảnh thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân, hình ảnh có tính chất “nhạy cảm” có thể xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng hoặc bất kỳ lí do nào họ đã đăng tải trên các phương tiện thông tin, tạo hiệu ứng lan truyền nhanh trong cộng đồng, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh hoặc chỉ để “trêu đùa”; “khoe khoang” mà không có dụng ý xấu. Và theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm.
Khi thấy hình ảnh cá nhân bị sử dụng mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật và thông tin quy kết lỗi, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, đơn vị trên báo chí, đồng thời, các thông tin này không phù hợp với chuẩn mực của báo chí, không phù hợp trách nhiệm người làm báo, có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, đơn vị thì các cách giải quyết theo quy định điều 43 Luật Báo Chí 2016 như sau:
- Phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông).
- Khởi kiện tại Tòa án.
Theo quy định tại điều 8, Nghị Định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản về các mức phạt khi vi phạm quy định về nội dung thông tin như sau:
” Điều 8. Vi phạm quy định về nội dung thông tin
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí;
b) Không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí;
c) Sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
b) Minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin;
c) Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành nhưng không có chú dẫn xuất xứ tư liệu;
d) Tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
đ) Công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
e) Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
b) Miêu tả tỷ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh;
c) Đăng, phát tin, bài, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
d) Đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan;
đ) Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới chưa được kết luận trên ấn phẩm không phải tạp chí nghiên cứu chuyên ngành;
e) Đăng, phát thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Khai thác để đăng, phát các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng;
h) Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
b) Đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng;
b) Đăng, phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy.
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
b) Đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm h Khoản 3, các khoản 4, 5 và 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, d, đ và e Khoản 2, các điểm a, e và g Khoản 3, các khoản 4, 5 và 6 Điều này. ”
Như vậy, cá nhân, đơn vị có thể chọn cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng con đường khiếu nại tới Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý đối với một số sai phạm của cơ quan báo chí và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính, cụ thể: hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật, hành vi đăng tải thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, các thông tin này không phù hợp với chuẩn mực của báo chí, không phù hợp trách nhiệm người làm báo, có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, hình ảnh của cá nhân, đơn vị theo quy định tại điều 9 Luật Báo Chí 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí.